Tổng hợp chức năng sinh lý của gan
Chức năng tạo mật giúp tiêu hóa lipid
Gan sản xuất ra mật sau đó các ống dẫn sẽ đưa mật đi dự trữ và cô đặc ở túi mật, cuối cùng xuống tá tràng khi tiêu hóa. Trung bình một ngày gan bài tiết tới 1 lít mật để nhũ tương hóa lipid cũng như hấp thu các vitamin (gồm vitamin A, K, D, E) tan trong dầu.
Mật được cấu thành bởi 4 thành phần gồm Nước, Muối mật, Cholesterol và Bilirubin, trong đó:
-
Muối mật (muối Kali hoặc Natri) có vai trò nhũ tương hóa lipid, hấp thu các sản phẩm tiêu hóa của lipid và các vitamin tan trong lipid.
-
Cholesterol trong dịch mật giúp điều chỉnh lượng cholesterol trong máu
-
Bilirubin ở gan hình thành từ sản phẩm thoái hóa hemoglobin trong cơ thể sau đó thải ra theo dịch mật.
Chức năng chuyển hóa
Gan cũng đóng vai trò chuyển hóa rất quan trọng, cụ thể
-
Chuyển hóa glucid: Glucid từ ruột gồm có Glucose, Galactose, Fructose và các chất này sẽ theo tĩnh mạch cửa đổ về gan. Khi đó, gan sẽ chuyển fructose và galactose thành glucose trước khi sử dụng. Cơ quan này cũng sẽ chuyển acid amin sinh đường, acid béo, glycerol và acid lactic thành acid pyruvic hoặc phospho pyruvic rồi thành glucose-6-phosphat, quá trình kết thúc tại chất cuối cùng là glucose.
-
Chuyển hóa lipid: Gan là nơi chuyển hóa lipid nhanh và mạnh mẽ nhất, quá trình này giúp tổng hợp cholesterol và cetonic. Gan tổng hợp các acid béo từ glucid, protid cũng như những sản phẩm thoái hóa của lipid. Sau đó, acid béo được chuyển hóa theo một chu trình nhất định để cung cấp cho máu. Ngoài ra, gan còn có nhiệm vụ tổng hợp phospholipid và lipoprotein. Đây là các dạng vận chuyển lipid chủ yếu cho cơ thể con người.
-
Chuyển hóa protid: Gan chuyển hóa và dự trữ protid cho cơ thể qua quá trình gồm hai 2 giai đoạn là chuyển hóa acid amin và tổng hợp protein.
-
Tổng hợp protein huyết tương và tổng hợp các yếu tố đông máu: Chức năng này thể hiện rõ qua việc nếu bị suy gan, protein máu sẽ giảm gây ra sưng phù và quá trình đông máu rối loạn dễ bị xuất huyết.
Làm bài test môn Sinh Lý MIỄN PHÍ: Tại đây
Chức năng dự trữ
-
Dự trữ máu: Gan thường chứa lượng máu khá lớn khoảng 600-700ml. Sau khi truyền dịch hoặc sau bữa ăn và khi uống nhiều nước, áp suất máu tại tĩnh mạch gan tăng lên khiến gan có thể chứa thêm khoảng 200 – 400 ml máu. Ngược lại, khi cơ thể hoạt động hoặc lúc thể tích máu giảm, gan sẽ co lại để đưa lượng máu cần thiết vào hệ tuần hoàn.
-
Dự trữ Glucid: Glucid trong gan được dự trữ dưới dạng glycogen và có thể đủ cung cấp năng lượng hoạt động cho cơ thể hoạt động trong vòng vài giờ. Gan còn tham gia vào việc điều hòa đường huyết thông qua dự trữ glycogen. Một khi đường huyết tăng, gan cũng sẽ tăng tổng hợp glycogen để dự trữ. Ngược lại, khi đường huyết hạ, bộ phận này tăng cường phân ly glycogen để đưa glucose vào máu để ổn định đường huyết.
-
Dự trữ sắt: 3 cơ quan dự trữ sắt cho cơ thể gồm: Gan, Lách và Tủy xương. Trong đó, lượng sắt dự trữ lấy từ thức ăn hoặc từ sự thoái hóa Hb (Hemoglobin). Gan dự trữ sắt dưới dạng ferritin và sẽ được đưa đến cơ quan tạo máu nhờ transferrin do chính bộ phận này sản xuất ra.
-
Dự trữ vitamin: Gan còn có khả năng dự trữ một số vitamin như A (trong vòng 10 tháng), D (trong vòng 3-4 tháng), B12 (trong vòng 1-vài năm). Trong số đó, B12 là vitamin quan trọng nhất được dự trữ ở bộ phận này.
Chức năng chống độc
Đây là chức năng sinh lý được đánh giá quan trọng hàng đầu của gan. Gan có vai trò giống như hàng rào ngăn chặn các yếu tố độc hại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, bộ phận đặc biệt này cũng làm giảm độc tính cũng như thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa. Gan sẽ chống độc bằng 2 cơ chế.
Đầu tiên, gan giữ lại kim loại nặng như đồng, chì, thủy ngân… rồi sau đó thải ra ngoài. Cơ chế còn lại là biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn. Các phản ứng hóa học sẽ được tiến hành để thải ra ngoài qua đường mật hoặc đường thận những chất độc hại đối với cơ thể. Cụ thể, những chất như bilirubin, alkaloid, phenol, hormone steroid, các loại thuốc (kháng sinh, aspirin, barbiturate…) sẽ được kết hợp với acid glucuronic rồi sau đó thải ra trong nước tiểu hoặc dịch mật.
Xem thêm: Tìm Hiểu Về Cấu Tạo Và Chức Năng Sinh Lý Của Thận Với Cơ Thể
Cấu trúc sinh lý của gan
Gan là một cơ quan quan trọng đối với cơ thể, hình nêm, xốp, màu nâu đỏ, kích thước tùy thuộc vào chiều cao và cân nặng mỗi người. Gan thực hiện cùng lúc rất nhiều chức năng quan trọng để duy trì sự sống. Cơ quan này đồng thời cũng được xem là một tuyến bởi thực hiện công việc sản xuất protein và hormone. Ngoài ra, gan cũng hỗ trợ hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể.
Một số đặc điểm cấu trúc sinh lý gan quan trọng mà sinh viên Y khoa nào cũng cần thuộc lòng:
-
Vị trí của gan: Thông thường thì gan nằm ở bên phải cơ thể, dưới xương sườn, bên phải dạ dày và phía trên túi mật. Tuy nhiên, trong trường hợp đảo nghịch phủ tạng, gan có thể nằm ở bên trái.
-
Khối lượng và kích thước gan: Gan của một người bình thường nặng khoảng 1.500 gr, chiều rộng khoảng 15 cm (6 inch). Khối lượng và kích thước có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm mỗi người. Tuy nhiên, phạm vi tham chiếu tiêu chuẩn cho nam giới là 970 – 1.860 gr (2,14 – 4,10 lb), nữ giới là 600 – 1.770 gr (1,32 – 3,90 lb). Gan là cơ quan nội tạng nặng nhất và cũng là tuyến lớn nhất trong cơ thể con người.
-
Hình thể ngoài của gan: Gan có hình nêm, màu nâu đỏ sẫm, gồm hai thùy có kích thước và hình dạng không bằng nhau.
-
Cấu tạo bên trong gan: Có hai nguồn cung cấp máu cho gan gồm: Động mạch gan vận chuyển máu từ động mạch chủ qua thân tạng và Tĩnh mạch cửa vận chuyển máu từ tĩnh mạch lách và tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Những mạch máu này chia thành các mao mạch nhỏ và được gọi là các xoang gan, dẫn đến các tiểu thùy gan. Tiểu thùy gan là đơn vị chức năng của gan được tạo thành từ hàng triệu tế bào gan. Các tiểu thùy liên kết với nhau bằng một mô liên kết sợi mịn, dày đặc nhưng không đồng đều, kéo dài từ bao xơ và bao phủ toàn bộ gan (bao Glisson). Mô này tạo nên cấu trúc gan bằng cách đi kèm với mạch máu, ống dẫn và dây thần kinh. Gần như toàn bộ bề mặt gan đều được bao phủ bởi một lớp huyết thanh có nguồn gốc từ phúc mạc
Sinh lý bệnh ở gan
Những bệnh lý nguy hiểm của gan có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nhiễm trùng, thuốc, độc tố, thiếu máu hoặc bệnh tự miễn. Trong một số trường hợp khác, những vấn đề của gan có thể xuất hiện sau phẫu thuật. Nhìn chung, các bệnh lý gan gây ra tổn thương và hoại tử tế bào gan ở các mức độ khác nhau. Các triệu chứng xảy ra có thể là do chính bệnh gan (ví dụ như vàng da do viêm gan cấp) hoặc do các biến chứng của bệnh (chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa cấp tính do xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa).
Trong trường hợp bị hoại tử, gan vẫn có thể tự tái tạo nhưng không hoàn toàn. Tình trạng xơ hóa có thể là hậu quả của tổn thương hoàn toàn nhiều tiểu thùy liên tiếp hoặc có thể do các tổn thương ít rõ rệt nhưng liên tiếp. Các căn bệnh đặc biệt khác sẽ có mức độ ảnh hưởng đến một số cấu trúc hoặc chức năng gan mật nhất định. Chẳng hạn, viêm gan virus cấp biểu hiện qua tổn thương tế bào gan, viêm xơ đường mật tiên phát khiến rối loạn bài tiết dịch mật và xơ gan có thể dẫn đến xơ hóa gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, một số rối loạn như bệnh gan nặng liên quan đến rượu sẽ ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc gan, dẫn đến sự kết hợp của các dạng triệu chứng, dấu hiệu và các bất thường về xét nghiệm.
Trong đó, có 4 vấn đề thường gặp nhất ở gan bao gồm:
-
Viêm gan B: Nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể từ virus viêm gan HBV-DNA. Người mắc viêm gan B nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ cao bị xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan B có thể lây qua con đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.
-
Suy gan: Có 2 dạng là suy gan cấp tính và mãn tính. Suy gan cấp tính có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng nào và thường tấn công nhanh khiến chức năng gan bị mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó, suy gan mãn tính thường là kết quả của xơ gan nên có diễn tiến chậm, có thể mất vài tháng hoặc vài năm bệnh nhân mới thấy những dấu hiệu của bệnh. Khi bị suy gan, bệnh nhân thường: Khô, rát hoặc ngứa mắt, móng tay mỏng và dễ gãy, tóc khô yếu dễ rụng, da khô, cứng khớp, mất ngủ, giấc ngủ không sâu (thức dậy suốt đêm), thiếu năng lượng và thất thường kinh nguyệt ở phụ nữ.
-
Ung thư gan: Hiện tại khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. Tuy vậy, tỷ lệ cao những người mắc ung thư gan thường rơi vào bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính, xơ gan, di truyền, bị bệnh tiểu đường, béo phì. Triệu chứng thường gặp của ung thư gan có thể kể đến: Vàng da vàng mắt, 30-50% người bệnh gầy sút cân tại thời điểm chẩn đoán, đau bụng vùng gan.
-
Xơ gan: Bệnh mà các mô tế bào khỏe bị thay thế bằng mô sẹo từ đó chức năng gạn bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Bệnh xơ gan thường đến từ các nguyên nhân như: sử dụng các chất kích thích, gan nhiễm mỡ hoặc do virus viêm gan gây ra. Xơ gan trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Về sau, tùy thuộc vào mức độ mà bệnh nhân có thể gặp các hội chứng của suy tế bào gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mệt mỏi, kém ăn, vàng da, da sạm, dễ chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù, cổ trướng, suy giảm chức năng tình dục..., nặng hơn có những biến chứng như nôn ra máu và đi ngoài phân đen.
-
Gan nhiễm mỡ: Bệnh xảy ra khi lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan và xảy ra rất phổ biến hiện nay. Bệnh này được chia làm 2 nhóm: Nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh, bệnh béo phì, tâm lý căng thẳng, sự thay đổi lối sống quá nhanh. Khi ấy, gan sẽ giảm chức năng rõ rệt và trở nên suy yếu.
Kết luận
Trên đây, MedUC đã tổng hợp những nội dung quan trọng nhất về sinh lý gan bao gồm chức năng, cấu trúc và các bệnh liên quan đến gan. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp cho quá trình tìm hiểu môn Sinh lý của các bạn sinh viên Y trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin hơn. Nếu bạn muốn làm chủ kiến thức về môn Sinh lý, liên hệ với MedUC ngay để được hỗ trợ và đồng hành bởi các giảng viên là bác sĩ chuyên khoa tận tâm tận tình qua khóa học Sinh lý! Tìm hiểu chi tiết về giải pháp hiệu quả cho môn Sinh lý tại:
Fanpage: m.me/TrungtamdaotaoykhoamedUC.vn/
Số điện thoại: 0339308997
Mail: Meduc.vn@gmail.com
YouTube: Trung Tâm Đào Tạo Y Khoa Meduc.vn
Website: Meduc.vn