Vị trí, kích thước của thận
Vị trí
Thận là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có vị trí nằm đối xứng ở hai bên cột sống, cụ thể ngang với đốt sống ngực T11 đến đốt sống lưng L3. Thận nằm sau phúc mạc và các cơ quan tiêu hóa như gan, ống tiêu hóa, lách…
Kích thước
Thận có kích thước tương đối nhỏ. Thông thường, thận sẽ có kích thước: Chiều dài từ 10 - 12 cm, Chiều rộng: 5-7 cm, Độ dày: 3-4 cm và kích thước sẽ thay đổi tùy vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Mỗi quả thận thường nặng khoảng 150g và có hai bờ một lồi một lõm. Phần lõm sâu ở giữa quả thận là rốn thận.
Đặc điểm cấu tạo của 2 thận
Nephron là đơn vị chức năng của thận, thường có khoảng 1 triệu Nephron ở mỗi quả thận. Trong đó, có tới 85% Nephron ở phần vỏ, còn lại là Nephron cận tuỷ giữ vai trò quan trọng đối với việc vô đặc nước tiểu. Thận có cấu tạo được chia thành 2 vùng là vỏ thận và tuỷ thận.
Vỏ thận
Đây là lớp vỏ bên ngoài đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ thận và cấu trúc bên trong. Thường thì vỏ sẽ có màu đỏ hoặc đỏ sẫm vì chứa nhiều mao mạch máu và dày từ 7 - 10mm. Vỏ thận bao gồm các bộ phận:
-
Cầu thận: Mạng lưới mao mạch nhỏ làm nhiệm vụ lọc máu, đường kính 0,2mm.
-
Nang cầu thận (bọc Bowman): Túi lõm, bên trong có túi mạch chứa khoảng 20-40 mao mạch.
-
Cột thận: Gồm các hạt nhân, nằm ở giữa các tháp thận.
-
Nhu mô thận: Bên ngoài là phần vỏ màu đỏ nhạt và bên trong là phần tuỷ đỏ thẫm.
Vùng tủy thận
Vùng tủy và các bể thận nằm bên trong chứa các mô mỡ, dây thần kinh và mạch máu. Phần tủy được cấu tạo bởi các cấu trúc hình nón gọi là tháp thận có đáy hướng về bao thận, đỉnh hướng về bể thận.
Các ống thận bao gồm:
-
Ống lượn gần nối tiếp với ống Bowman gồm 1 đoạn thẳng và 1 đoạn cong.
-
Nối tiếp ống lượn gần là quai Henly.
-
Ống lượn xa là phần tiếp theo của quai Henly.
-
Ống góp tiếp nhận dịch từ ống lượn xa để đổ vào bể thận, không thuộc đơn vị thận.
Chức năng quan trọng của thận đối với cơ thể
Thận được ví như một nhà máy lọc và xử lý chất độc của cơ thể. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ những chất cặn bã cũng như chất độc có trong máu và giúp các chất trong hệ tuần hoàn ổn định về nồng độ. Chưa kể, thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo ra hồng cầu, xương và giúp điều hòa huyết áp.
Lọc máu và các chất thải
Chức năng chính của thận là lọc máu và các chất cặn bã trong cơ thế. Mỗi ngày, hệ thống máu trong cơ thể đi qua thận khoảng 20-25 lần để được sàng lọc các chất cặn bã và chỉ giữ lại protein cùng tế bào máu.
Bài tiết nước tiểu
Ban đầu, máu từ động mạch thận đi đến các tiểu đơn vị chức năng của thận để được lọc và có thể tạo ra 172 lít nước tiểu đầu. Nước tiểu đầu đi vào các ống thận sẽ tiếp được lọc một lần nữa để giữ lại các chất quan trọng như glucose, natri và các chất dinh dưỡng khác.
Chất thải như urea, creatinine và một số chất không cần thiết được tách ra khỏi máu, đó là nước tiểu. Quá trình tái hấp thụ và loại bỏ chất thải đổ vào ống góp để tiếp tục được lọc. Cuối cùng, phần cặn bã nhất đổ vào bể thận xuống ống dẫn nước tiểu và được tích trữ ở bàng quang. Khi bàng quang đầy, cơ thể sẽ muốn đi vệ sinh để đưa nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo.
Chức năng nội tiết
Thận là cơ quan bài tiết hormone Renin - thành phần giúp duy trì áp lực máu ổn định, điều hoà huyết áp. Đồng thời, thận cũng là cơ quan sản xuất erythropoietin để thúc đẩy quá trình tủy xương tạo ra hồng cầu khi oxy mô bào giảm. Ngoài ra, các Vitamin D3 và Glucose từ nguồn không phải carbohydrate cũng sẽ được chuyển hóa qua thận.
Điều hoà thể tích máu
Thận thông qua quá trình sản xuất nước tiểu sẽ thực hiện chức năng kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào có trong cơ thể. Vì thế, khi uống nhiều nước, lượng nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.
Suy giảm chức năng thận
Hầu hết những trường hợp bị suy giảm chức năng thận đều không phát hiện sớm cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Do đó, việc theo dõi sát sao tình trạng thận là vô cùng cần thiết. Một số biểu hiện báo hiệu thận của bạn đang có vấn đề:
-
Tiểu tiện không ổn định: Có sự thay đổi về tần suất, lượng nước tiểu, màu sắc, mùi của nước tiểu.
-
Tăng huyết áp: Nếu như mạch máu bị tổn thương thì những đơn vị làm nhiệm vụ lọc chất thải từ máu của thận sẽ bị ảnh hưởng từ đó gây ra suy thận.
-
Sưng phù ở mặt và chân: Chức năng thận bị suy giảm đồng nghĩa với việc thận không thể lọc và đào thải dịch và các chất độc dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ dịch và gây sưng phù ở mặt và chân.
-
Đau lưng: Cụ thể là đau vùng háng chậu, hông và phía dưới xương sườn là dấu hiệu của suy thận. Đau đi kèm sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiểu tiện nhiều mà uống thuốc giảm đau không có tác dụng.
-
Khó thở: Nếu như bị suy thận, bệnh nhân có thể bị khó thở ngay cả lúc bình thường hoặc sau khi gắng sức vận động. Nếu như thận không thể thực hiện được chức năng lọc vốn có, tình trạng ứ dịch trong cơ thể, đặc biệt là ở phế nang phổi sẽ xảy ra và gây suy thận.
-
Hơi thở có mùi kim loại: Khi thận hoạt động kém khiến nhiều chất độc trong máu tích tụ từ đó khiến mùi vị thức ăn trong miệng thay đổi. Bệnh nhân thường cảm thấy hơi thở có mùi kim loại.
-
Ngứa, khô da: Khi chức năng thận suy giảm, chất độc tích tụ trong cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng da, làm da khô và ngứa.
-
Mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, cơ thể suy nhược: Thận có vấn đề khiến lượng hormone được sản xuất để chuyển hóa vitamin D và các tế bào hồng giảm nghiêm trọng. Người bệnh vì thế sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, tập trung kém (do thiếu máu lên não), suy nhược cơ thể. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có những biện pháp chữa trị kịp thời.
Lưu ý để cải thiện chức năng thận
Một số cách để cải thiện chức năng thận được áp dụng phổ biến:
-
Thường xuyên vận động: Tập thể dục và các hoạt động như đi bộ, chạy, đạp xe và thậm chí là khiêu vũ… đều rất tốt cho sức khỏe nói chung và thận nói riêng.
-
Kiểm soát lượng đường trong máu: Bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao có thể khiến thận bị tổn thương. Bởi nếu tế bào cơ thể không thể sử dụng glucose (đường), thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
-
Theo dõi huyết áp: Chỉ số huyết áp khỏe mạnh ở mức 120/80mmHg. Khi huyết áp nằm giữa 120/80 mmHg và 139/89mmHg, rất có thể bạn đang bị tiền cao huyết áp và cần thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống để giảm huyết áp. Nếu chỉ số huyết áp luôn ở mức trên 140/90mmHg thì có khả năng bạn đã bị bệnh tăng huyết áp.
-
Ăn uống điều độ: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thận cao hơn người thường. Do đó, việc kiểm soát cân nặng cũng như xây dựng một chế độ ăn uống ít muối, ít thịt chế biến, giảm thực phẩm không lành mạnh cũng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh suy thận. Theo đó, những thực phẩm tươi, giàu vitamin, có hàm lượng natri thấp như súp lơ, quả việt quất, cá, ngũ cốc nguyên hạt… được khuyên dùng để cải tạo chức năng thận.
-
Uống nhiều nước: Bạn nên duy trì thói quen uống nước mỗi ngày để giúp bổ sung nước cho cơ thể và đảm bảo hoạt động của thận được diễn ra một cách bình thường. Việc uống nước đôi khi bị phớt lờ tuy nhiên đây là biện pháp dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian mà lại đem đến lợi ích lớn cho cơ thể.
Kết luận
MedUC mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về thận cũng như chức năng sinh lý thận để bạn có cái nhìn chi tiết về nội dung này.
Nếu như bạn đang gặp khó khăn trong việc học hay ôn thi các môn như Nội khoa, Ngoại khoa, Giải phẫu, Sinh lý, tham khảo ngay khóa học được đứng lớp bởi những giảng viên chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm của MedUC. Thông tin liên hệ:
Fanpage: m.me/TrungtamdaotaoykhoamedUC.vn/
Số điện thoại: 0339308997
Mail: Meduc.vn@gmail.com
YouTube: Trung Tâm Đào Tạo Y Khoa Meduc.vn
Website: Meduc.vn