Giải phẫu cơ hoành
Cấu tạo của cơ hoành
Cơ hoành là cơ dẹt, rộng, có hình vòm, mặt lõm hướng về phía bụng. Cơ có tác dụng ngăn cách khoang ngực với khoang bụng. Cấu tạo cơ bao gồm hai phần: phần cân ở trung tâm và phần cơ ở ngoại vi. Cơ hoành có nhiều lỗ để cho các tạng, mạch máu và thần kinh đi từ lồng ngực xuống bụng hoặc ngược lại đi từ ổ bụng lên ngực. Cơ đóng vai trò quan trọng đối với hô hấp của cơ thể.
Ba nguyên ủy cấu tạo nên cơ hoành bao gồm: phần ức, phần sườn và phần thắt lưng.
-
Phần ức: Có các thớ cơ bám vào mặt sau mỏm mũi kiếm của xương ức tạo thành một hoặc hai bó nhỏ. Bó này với bó sườn (phần sườn) giới hạn tạo nên khe ức - sườn hay còn gọi là tam giác ức - sườn. Sau đó, sẽ có bó mạch thượng vị trên đi qua.
-
Phần sườn: Có cơ hoành bám vào 6 xương sườn cuối bằng các chẽ cơ. Một số trẻ cơ bám vào sụn sườn và xương sườn VII, VIII, IX, số khác bám vào xương sườn X, XI, XII.
-
Phần thắt lưng: Các trụ cơ và dây chằng giúp cơ hoành bám vào cột sống thắt lưng. Thắt lưng sẽ gồm trụ phải bám vào thân của ba (hoặc bốn) đốt sống thắt lưng trên và các đĩa gian sống tương ứng và trụ trái bám cao hơn trụ phải một đốt sống, ở thân và đĩa gian sống của hai (hay ba) đốt sống thắt lưng trên. Bờ trong của mỗi trụ có một dải sợi được gọi là dây chằng cung giữa.
Ba lỗ chính cơ hoành
Cơ hoành có 3 lỗ mở chính và các lỗ nhỏ phụ. Trong đó, 3 lỗ chính gồm khe thực quản, khe động mạch chủ và khe tĩnh mạch chủ dưới. Lỗ tĩnh mạch chủ có vị trí nằm ở trung tâm gân, giữa lá phải và lá trước. Lỗ ở ngang mức đĩa gian sống ngực VIII và IX. Qua lỗ có tĩnh mạch chủ dưới và đôi khi có thần kinh hoành phải từ bụng lên ngực. Khe động mạch chủ là phần thấp nhất và sâu nhất của cơ hoành, sát cột sống và nằm ở cạnh trái của đường giữa, ở vị trí tương ứng với thân đốt sống ngực 12. Lỗ thực quản nằm trong phần cơ của cơ hoành, tương ứng với đốt sống ngực 10, do các cơ xuất phát từ hai cột trụ phải và trái hợp thành, có khi do các thớ cơ từ cột trụ phải vòng quanh thực quản tạo nên.
Lỗ thực quản cấu tạo có 3 bờ: bờ trước, bờ bên và bờ sau. 2 bờ trước và trên của lỗ được hình thành bởi các cánh tay cơ của trụ hoành. Còn bờ sau được tạo nên bởi dây chằng cung giữa.
Các trụ cơ hoành
Trụ phải của cơ hoành bắt nguồn từ mặt trước của đốt sống thắt lưng thứ nhất đến thứ tư còn trụ trái có gốc ở hai hoặc ba đốt sống thắt lưng đầu tiên, từ các đĩa gian đốt sống này và dây chằng dọc trước. Các sợi trụ băng xuyên lên trên và phía trước, hình thành nên cánh tay cơ được bao quanh bởi lỗ mở của động mạch chủ và thực quản. Sau đó, tất cả sáp nhập vào gân trung tâm. Cánh tay trụ hoành có các dạng rất khác nhau. Theo thống kê, khoảng hơn 50% dân số có cánh tay trụ phải và trái đều bắt nguồn từ trụ phải. Trong đó có 1/3 dân số có cánh tay trái xuất nguồn từ trụ phải và cánh tay phải xuất nguồn từ cả hai trụ.
Cơ thắt thực quản và đường Z
Cơ thắt dưới thực quản là một ống cơ trơn có chiều dài khoảng từ 2,5 đến 4 cm. Thông thường thì chiều dài của đoạn thực quản bụng sẽ giống với chiều dài của cơ thắt dưới thực quản. Bờ trên của cơ thắt dưới thực quản cũng là vị trí khe thực quản của cơ hoành thực quản có một vòng thắt nhẹ được gọi là vòng A. Thực quản ở bờ dưới của cơ thắt dưới thực quản, nơi tiếp nối với dạ dày cũng sẽ cấu tạo hơi bị thắt nhẹ gọi là vòng B (vòng Schatzki). Vùng nối thực quản - dạ dày hay đường Z, hay tâm vị là những tên gọi khác của vòng B.
Bài viết liên quan:
Góc His
Hình thành giữa tâm vị dạ dày và phần xa thực quản, góc His được tạo nên bởi những những sợi treo dạng vòng và những sợi cơ vòng bao quanh khớp nối thực quản dạ dày.
Chức năng góc His chính là tạo nên một cái van để không cho dịch mật cũng như axit dạ dày trào ngược vào trong thực quản.
Màng thực quản hoành
Cơ thắt dưới thực quản hay còn gọi là thực quản bụng được ôm quanh bởi hai trụ của cơ hoành và được bao bọc bởi phúc mạc và màng thực quản - hoành. Màng thực quản - hoành có cấu tạo bao quanh đoạn thực quản bụng để cố định đoạn này vào cơ hoành. Màng được cấu tạo bởi những sợi collagen và elastin. Đây được đánh giá là 1 màng chắc chắn, có tính linh hoạt và cần thiết cho sự đóng kín lỗ cơ hoành. Khi màng thực quản - hoành bị yếu hoặc khe thực quản bị mở rộng, tâm vị sẽ có xu hướng bị thoát vị lên lồng ngực.
Cơ hoành và thoát vị khe hoành
Vị trí và chức năng của cơ hoành
Khi giải phẫu cơ hoành, bạn sẽ thấy vân cơ rộng và dẹt, hình dạng cơ như mái vòm. Cơ hoành xếp thành một vách cơ - gân nằm giữa ổ bụng và lồng ngực. Diện tích bề mặt trung bình của cơ hoành là khoảng 250cm2. Nếu cơ hoành hạ xuống 1cm thì thể tích khí lưu dẫn vào phổi tương đương sẽ tăng lên gần 250ml. Khi cơ hoành hạ xuống khoảng 7 - 8cm, thể tích khí vào phổi là 2.000ml.
Cơ hoành có chức năng vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Bởi khi cơ co lại, vòm của cơ sẽ hạ xuống làm giãn và giảm áp lực trong lồng ngực giúp cơ thể sẽ hít không khí vào trong một cách bình thường. Ngược lại, cơ hoành giãn giúp cơ thể đẩy không khí ra ngoài. Do vậy, nếu bộ phận này bị tổn thương thì lưu lượng khí vào ra của phổi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, lâu dần có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp.
Rối loạn chức năng cơ hoành
Rối loạn chức năng cơ hoành có nhiều mức độ khác nhau, tùy độ nặng của tổn thương sẽ có ảnh hưởng nhất định đến bệnh nhân. Nếu cơ hoành chỉ bị yếu chứ chưa liệt hoặc tổn thương chỉ có ở một bên phải hoặc trái, bệnh nhân chỉ khó thở khi làm việc gắng sức hoặc khi vận động nhiều. Ở tư thế ngửa, bệnh nhân liệt cơ hoàn một bên cũng có thể bị khó thở. Tuy nhiên, khi cơ hoành bị liệt hoàn toàn, bệnh nhân sẽ thấy khó thở nhiều hơn.
Khó thở do liệt cơ hoành hai bên cũng trở nên trầm trọng hơn mỗi khi bệnh nhân gập người, khi nằm đầu thấp hoặc khi tắm ngập nước từ thắt lưng trở lên. Liệt toàn bộ cơ hoành gây ra mất ngủ, giảm thông khí khi ngủ từ đó dẫn đến mệt mỏi và khả năng tập trung kém, hay đau đầu, chóng mặt. Một số biến chứng khác do liệt cơ hoành kể đến như xẹp phổi, hoặc viêm hai đáy phổi. Ngoài ra, các bệnh nền như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, nhược cơ… có thể khiến tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn khi bị rối loạn cơ hoành.
Thoát vị khe hoành
-
Thoát vị cơ hoành (diaphragmatic hernia): Khiếm khuyết hoặc lỗ mở trên cơ hoành cho phép các cơ quan trong ổ bụng di chuyển vào trong khoang ngực.
-
Thoát vị khe hoành (hiatal hernia): Xảy ra khi dạ dày hoặc các cơ quan khác trồi vào trung thất qua lỗ thực quản của cơ hoành
Thoát vị khe hoành chia ra làm các loại chính bao gồm:
-
Loại I (hay còn gọi là thoát vị trượt, thoát vị đồng tâm hoặc thoát vị trục): Khớp nối thực quản dạ dày trượt vào trung thất, kéo theo dạ dày phía dưới nó.
-
Loại II: Khớp nối thực quản dạ dày ở vị trí cũ nhưng có 1 phần đáy vị trượt vào trung thất cạnh thực quản.
-
Loại III: Sự phối hợp của thoát vị khe hoành loại I và thoát vị khe hoành loại II. Được tạo nên bởi cả đáy vị và khớp nối thực quản - dạ dày trong trung thất.
-
Loại IV: Rộng hơn loại III với tạng thoát vị là đại tràng, lách, gan nằm trong lồng ngực. Thoát vị khe hoành loại II, III, IV (paraesophageal hernias).
Kết luận
Với hệ hô hấp, cơ hoành giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Trong trường hợp cơ hoành bị rối loạn chức năng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hô hấp. Bài viết trên của MedUC đã tổng hợp những thông tin được chọn lọc nhất về kiến thức giải phẫu cơ hoành. Mong rằng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho sinh viên trong quá trình học và ôn thi môn Giải phẫu. Để được những giảng viên dày dặn kinh nghiệm đồng hành, giải đáp thắc mắc và làm chủ môn Giải phẫu trong thời gian ngắn, liên hệ ngay với MedUC để đăng ký khóa học Ôn thi cấp tốc bạn nhé! Thông tin chi tiết:
Fanpage: m.me/TrungtamdaotaoykhoamedUC.vn/
Số điện thoại: 0339308997
Mail: Meduc.vn@gmail.com
YouTube: Trung Tâm Đào Tạo Y Khoa Meduc.vn
Website: Meduc.vn