Lâm sàng là gì? Các thuật ngữ y khoa liên quan
Lâm sàng là một thuật ngữ chuyên ngành Y được dịch ra từ tiếng Pháp (từ “Clinique”). Trong từ điển tiếng Việt, đây là một từ Hán Việt. Theo đó, “lâm” nghĩa là đến gần một sự vật hoặc sự việc nào đó. “Sàng” có nghĩa là cái giường, ý nói ở đây là giường bệnh. Lâm sàng trong Y khoa chỉ hoạt động thăm khám, nghiên cứu, xem xét các biểu hiện và vấn đề liên quan đến bệnh nhân.
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng thường sẽ bao gồm:
-
Triệu chứng mà bệnh nhân kê khai với bác sĩ, thông tin đa phần mang tính chủ quan.
-
Triệu chứng bác sĩ phát hiện được khi thăm khám bệnh nhân bằng cách quan sát, sờ bằng tay, nghe bằng tai, gõ nhẹ… và đặc biệt là sử dụng máy móc trang thiết bị chuyên dụng để chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Vì vậy, những thông tin thu thập được sẽ mang tính khách quan hơn.
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng hay khám lâm sàng là một trong những thủ thuật cơ bản nhất, thường được thực hiện đầu tiên trong quá trình khám chữa bệnh của bác sĩ. Thông qua những kỹ năng lâm sàng, các bác sĩ sẽ phát hiện được dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ tổn thương ở một cơ quan nào đó trên cơ thể hay các căn bệnh nguy hiểm.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng hay khám cận lâm sàng được thực hiện ngay sau bước khám lâm sàng. Khi khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ sử dụng những kỹ thuật nâng cao hơn và cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc y tế như: Siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm công thức máu… Đây là kỹ thuật cực quan trọng để giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Ngoài ra, khám cận lâm sàng cũng được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng chỉ các nghiên cứu được tiến hành trên con người để chứng minh về tính an toàn và hiệu quả của thuốc hoặc phương pháp trị bệnh nào đó. Người tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể là các tình nguyện viên hoặc bệnh nhân đang mắc một chứng bệnh nào đó. Trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể con người, các loại thuốc hay phương pháp điều trị bệnh đã được thử nghiệm trên động vật và đảm bảo một mức độ an toàn nhất định.
Khám lâm sàng là gì? Vai trò của khám lâm sàng
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là khâu quan trọng cần thực hiện đầu tiên trong quá trình khám chữa tất cả các bệnh của bác sĩ. Mục đích của bước này là giúp các bác sĩ tìm ra những yếu tố có thể tác động hoặc dẫn đến tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân một cách chính xác và kịp thời nhất. Khi tiến hành khám lâm sàng, bác sĩ có thể nắm bắt chính xác tình hình của người bệnh. Đây là căn cứ quan trọng để đưa ra những nhận định và tìm kiếm phương pháp chữa bệnh phù hợp để không để lại hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.
Vai trò của khám lâm sàng
Sở dĩ khám lâm sàng rất quan trọng vì thông qua bước này, bác sĩ có thể nắm bắt nhanh nhất tình trạng ban đầu của bệnh nhân. Đây chính là căn cứ để đưa ra biện pháp điều trị kịp thời, tránh sự chậm trễ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bên cạnh đó, những y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm có thể thông qua khám lâm sàng để nắm bắt về nguyên nhân gây bệnh, tình hình bệnh từ đó khoanh vùng và chẩn đoán, chữa trị bệnh dễ dàng hơn.
Thường thì các bác sĩ sẽ vận dụng tối đa sự nhanh nhạy của các giác quan từ mắt, tai, tay và tính hữu dụng của các dụng cụ như đèn, kính lúp, tai nghe, máy đo nhịp tim, huyết áp... để phát hiện các triệu chứng lâm sàng. Ví dụ: Bệnh nhân bị sốt thì mặt thường đỏ, nhịp tim nhanh và nhiệt độ cơ thể tăng cao. Sốt có thể do bộ phận nào đó trong cơ thể bị viêm. Từ những phán đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định những kỹ thuật khám cận lâm sàng phù hợp để kết luận bệnh một cách chính xác nhất và đưa ra cách chữa trị phù hợp, kịp thời.
Quá trình khám lâm sàng
Quá trình khám lâm sàng trong khám sức khỏe tổng quát thường sẽ diễn ra như sau: Đầu tiên, bác sĩ thường sẽ hỏi bệnh nhân các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh gồm dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, những loại phẫu thuật đã từng thực hiện, các triệu chứng của bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, những câu hỏi về lối sống như có thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, có hút thuốc hay uống rượu, thói quen ăn uống hay sinh hoạt cũng có thể được đề cập… Ngoài ra, bệnh nhân còn phải kiểm tra các chỉ số thể lực như chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt…để biết chính xác tình hình sức khỏe và trạng thái.
Bác sĩ sau đó sẽ bắt đầu khám tổng quát một lượt các bộ phận cơ thể để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Lúc này, bệnh nhân có thể được yêu cầu ngồi hoặc đứng để việc khám diễn ra thuận lợi nhất. Sau đó, người bệnh sẽ nằm xuống và được quan sát, sờ nắn cẩn thận để bác sĩ kiểm tra kích thước, vị trí, độ cứng, mềm của các cơ quan như gan, lách, thận,... Các dụng cụ hỗ trợ như ống nghe để nghe tiếng phổi khi hít thở sâu, nghe nhu động ruột, nghe các động mạch lớn ở bụng như động mạch chủ, động mạch thận, động mạch chậu,... tai nghe để nghe tim cũng sẽ được sử dụng. Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể sử dụng ngón tay hoặc một thiết bị được gọi là bộ gõ để gõ trực tiếp vào các cơ quan. Kỹ thuật này giúp bác sĩ biết được sự xuất hiện bất thường của hơi, chất lỏng trong các cơ quan, xác định kích thước gan, lách… và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Khi quá trình khám lâm sàng hoàn thành, nếu có những phát hiện các bất thường ở một cơ quan nào trong cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng đặc hiệu cho bệnh nhân. Những kỹ thuật cao hơn và máy móc hiện đại hơn sẽ được dùng để chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,... nhằm khẳng định phỏng đoán ban đầu là đúng hay sai.
Khám lâm sàng và cận lâm sàng?
Nếu như khám lâm sàng là bước đầu tiên bác sĩ thực hiện khi tiếp nhận bệnh nhân nhằm kiểm tra nhanh để biết sơ qua về tình trạng bệnh thì ngay sau đó sẽ là bước khám cận lâm sàng để biết chi tiết và chính xác những phỏng đoán phía trên có đúng hay không. Khám cận lâm sàng sẽ sử dụng các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… để phục vụ chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh. Kết quả cận lâm sàng rất quan trọng và là nguồn thông tin hữu ích giúp bác sĩ chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tình. Đặc biệt, phương pháp này rất hữu ích trong những trường hợp mà triệu chứng thực thể hay triệu chứng cơ năng của người bệnh không rõ ràng, không nhận biết cụ thể qua khám lâm sàng được. Vì vậy, có thể nói rằng, khám lâm sàng và cận lâm sàng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Với sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại, nhiều loại dịch vụ cận lâm sàng có giá trị cao được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Thời gian thực hiện và thời gian cho kết quả hiện nay cũng rất nhanh chóng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ vẫn cần khám lâm sàng đề có những nhận định, suy luận chung nhất. Quá trình lâm sàng cũng giúp đưa ra quyết định về lựa chọn những loại dịch vụ cận lâm sàng phù hợp và cần thiết. Làm tốt điều này giúp vai trò của dịch vụ cận lâm sàng phát huy tối đa tác dụng đồng thời tránh tình trạng lãng phí, tâm lý sợ hãi của người bệnh, giảm đau đớn, giảm những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, lâm sàng chuẩn được thực hiện bởi những bác sĩ giỏi có thể giúp bệnh nhân tránh được những phơi nhiễm với các loại tia bức xạ nguy hiểm mà không thực sự cần thiết.
Hơn nữa, khi đã có kết quả xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ vẫn cần xem xét mối tương quan với các triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể trong quá trình khám lâm sàng vừa thực hiện. Từ đó, chẩn đoán bệnh dựa trên hai quá trình lâm sàng và cận lâm sàng mới khách quan nhất. Mặt khác, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vẫn có thể thay đổi nếu bệnh tình có diễn biến nhanh chóng.
Tham khảo thêm: Cách Học Lâm Sàng Hiệu Quả Cao Dành Cho Sinh Viên Y
Kết luận
Mong rằng bài viết trên sẽ giúp ích cho những bác sĩ tương lai trong việc tìm hiểu về chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng và mối liên hệ chặt chẽ giữa hai quá trình quan trọng này. Học Y là cả một quá trình tìm hiểu và tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức. Theo dõi MedUC để được cung cấp thêm nhiều nội dung quan trọng trong suốt quá trình học bạn nhé!
Fanpage: m.me/TrungtamdaotaoykhoamedUC.vn/
Số điện thoại: 0339308997
Mail: Meduc.vn@gmail.com
YouTube: Trung Tâm Đào Tạo Y Khoa Meduc.vn
Website: Meduc.vn